TRƯỞNG THÀNH Theo niềm tin của Giáo Hội công giáo, thêm sức là “bí tích để lớn lên trong đời sống siêu nhiên”. Nghĩa là sao? Đâu là tác dụng thật sự của nó ? Có hai cử chỉ cơ bản nơi phép thêm sức : xức dầu và đặt tay. Đặt tay là dấu chỉ được Chúa che chở và cũng là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Linh. Xức dầu nối kết kẻ nhận phép với chính đấng được xức dầu, là Chúa Ki-tô, và trở thành dấu chỉ Chúa Thánh Linh, đấng tiếp nối cuộc sống của Đức Ki-tô. Phép thêm sức hoàn tất phép rửa ; phép rửa nhấn mạnh chủ yếu tới việc nối kết với Chúa Ki-tô, thêm sức nhấn mạnh việc chung sống với Chúa Thánh Linh. Phép thêm sức cũng nói lên rằng người nhận từ nay là một thành phần tích cực, đầy đủ trách nhiệm trong Giáo Hội. Vì vậy mà thời gian gần đây người ta hay gọi đó là bí tích thành niên. Trước đây còn có “tát tai”, gợi nhớ lại nghi thức thành niên ngoài đời. Công đồng Vatican II đã bỏ điểm này. Vì nghĩ là một bí tích thành niên, nên nhiều người hiện nay thường hay nhận trễ, ở tuổi khoảng 16 hay 18. Nhưng cũng có một cái nhìn khác. Các Giáo Hội phương đông cho nhận thêm sức cùng một lần với phép rửa (trẻ em). Người ta lí luận rằng, chỉ được phép rước mình thánh Chúa, sau khi đã nhận hai bí tích dẫn nhập là phép rửa và thêm sức, và sau khi đã được nhận vào chung cộng đoàn với Đức Ki-tô trong Chúa Thánh Linh. Thêm sức là một thứ lễ gia nhập, qua đó người thanh thiếu niên làm lễ mừng bước vào giai đoạn trưởng thành, giai đoạn làm người lớn. Thời Trung cổ, tu sĩ dòng An-tịnh Thomas ở Kempen đã viết cuốn sách nhan đề “Theo gương Chúa Ki-tô”, trong đó nói về những qui điều chỉ lối cho ta sống đúng đắn. Sách đó là tác phẩm được nhiều người đọc nhất sau Kinh Thánh. Một vài điều trong đó xem ra xa lạ đối với ngày nay. Nhưng ngay một triết gia cộng sản là Ludwig Marcuse cũng công nhận đó là “nghệ thuật để trở nên tinh sạch». Tu sĩ Thomas viết : “Nhiệm vụ cao cả nhất của mỗi người là học cách nhận chân con người mình”. Và tiếp : “Phải có khôn ngoan và toàn hảo lắm mới có thể tự hạ mình và luôn nghĩ tốt, nghĩ điều cao cả cho người khác”. Trở về với nội tâm cũng là điều quan trọng cho ngày nay. Một trong những khía cạnh rõ ràng của thêm sức là nó đưa ta ra khỏi cái suy nghĩ thuần chuyện bề ngoài, thuần chuyện thành công và hiệu năng, đồng thời muốn nói cho ta hiểu rằng, ta còn có một nội tâm. Nó nhắc ta, như thánh Phao-lô nói xưa, hãy làm vững con người bên trong của mình. Nội tâm èo uột đang là một trong những vấn nạn lớn của thời đại. Trong ý nghĩa đó, có lẽ phép thêm sức quả thật là một đối trọng của khuynh hướng chạy theo bề ngoài, nó giúp cho những gì trong cuộc sống làm người giữ được cân bằng. Thành công vật chất, trong nền văn minh tân tiến hiện nay, đã trở thành thước đo của mọi giá trị. “Ai cũng có thể làm được”, đó là lời hứa của đạo quân các nhà tâm lí kích-động. Thái độ này gần như trở thành mồi thuốc phiện. Nó làm cho người ta theo nhau nghiện. Thấy người ta làm được, mình cũng muốn theo. Cha mẹ thấy con cái người khác chải chuốt và có tương lai, dĩ nhiên cũng muốn cho con mình được như thế. Nhưng tôi nghĩ, như thế, là người ta chỉ còn nhìn về một phía. Người ta muốn có thật nhiều, muốn nở mặt nở mày với thiên hạ. Tiếc rằng, chúng ta đã quên mất sự cần thiết của văn hoá nội tâm trong cuộc sống chúng ta. Lúc này người ta cũng đang thử dùng các phương pháp tĩnh tâm để tìm cách dựng lại một thứ nội tâm nào đó. Nhưng, nhìn chung, những văn hoá tĩnh tâm đó lại thường nhằm để tăng cường khả năng thành đạt bề ngoài. Hoặc đó là những kĩ thuật đổ rác, làm cho con người rốt cuộc chẳng còn chút nội lực thật sự nào nữa. Tôi muốn nhắc lại, chúng ta phải thật sự tìm lại cho mình một nền văn hoá nội tâm mới, phải học lại cách làm sao để “con người bên trong”, chữ của thánh Phao-lô dùng, cùng lớn lên với con người bên ngoài, và làm sao để có được năng lực, hầu có thể chống lại được những cái bên ngoài đi ngược lại với ta.
|